Phục vụ Tào Duệ Lưu_Diệp_(Tam_Quốc)

Năm Thái Hòa đầu tiên (227) đời Ngụy Minh đế Tào Duệ, Diệp được tiến tước Đông đình hầu, thực ấp 300 hộ. Công Tôn UyênLiêu Đông ép chú là Công Tôn Cung nhường chức Thái thú, sai sứ dâng biểu. Diệp nhận xét họ Công Tôn chiếm cứ Liêu Đông nhiều năm, ngăn núi cách bể, trở thành một trường hợp khó khống chế như các dân tộc Di, Hồ. Nếu không sớm trừ đi, sẽ gây ra hậu hoạn. Diệp kiến nghị không bằng nhân lúc Công Tôn Uyên mới lập, bất ngờ xuất binh thảo phạt, đồng thời kêu gọi những kẻ chống đối hắn, thì có thể chưa đánh đã giải quyết được vấn đề cát cứ Liêu Đông. Kiến nghị này không được tiếp nạp, về sau Uyên quả nhiên làm phản.

Diệp được Minh Đế sủng ái thân cận, nhưng không đi lại với ai. Có người hỏi tại sao, Diệp đáp rằng nhà Ngụy mới lập, lòng người chưa thuận; ông là kẻ hèn mọn của nhà Hán, lại là tâm phúc của nhà Ngụy, ít người sánh kịp, vì thế không được đánh mất mình! Tào Duệ muốn phạt Thục, triều thần đều nói "không thể". Diệp cùng Đế bàn bạc, nói "có thể phạt"; ra ngoài nói chuyện với triều thần, lại nói "không thể phạt". Trung lĩnh quân Dương Kỵ là thân cận của Đế, kiên trì cho rằng "không thể phạt". Kỵ rất kính trọng Diệp, mỗi lần ra khỏi cung đều đến bàn luận với ông, Diệp đều nói là "không thể". Về sau Kỵ theo xa giá đến Thiên Uyên trì, Duệ bàn đến việc phạt Thục, Kỵ can ngăn, nói Diệp cũng đồng ý với mình. Duệ nói Diệp cho rằng "có thể phạt", Kỵ xin mời Diệp đến đối chất, Đế cho. Đế hỏi, Diệp không nói gì. Sau đó còn lại một mình Diệp, ông trách Đế tùy tiện tiết lộ mưu lớn của nước nhà, Duệ cảm tạ; Diệp gặp Kỵ, trách ông ta dâng lời quá thẳng thắn, mà cần biểu đạt khéo léo mới phải, Kỵ cảm tạ. Có người thấy Diệp khéo ứng biến cả đôi đường thì ghét lắm, nói với Minh Đế rằng: "Diệp không hề tận trung, chỉ khéo dò xét ý của bề trên để nói theo cho hợp mà thôi. Bệ hạ thử cùng Diệp nói chuyện, cứ lật lại ý của Diệp mà hỏi, nếu như (Bệ hạ) nói những ý đó là trái, thì Diệp sẽ nói sao cho hợp với thánh ý. Lại mỗi lần đều hỏi cùng những vấn đề giống nhau, ý riêng của Diệp không có chỗ mà giấu đi vậy." Minh Đế đem lời ấy ra chứng nghiệm, quả nhiên nắm được ý riêng của Diệp, rồi cứ thế mà làm. Diệp bèn phát cuồng, ra khỏi Đại hồng lư, lo lắng muốn chết. Minh Đế đến thăm nói: "Khéo léo lừa dối chẳng bằng vụng về thành thực, (ta) tin (ngươi) rồi."

Năm Thái Hòa thứ 6 (232), Diệp nhân bệnh được bái làm Thái trung đại phu. Không lâu sau làm Đại hồng lư, được 2 năm, lại làm Thái trung đại phu. Khi ông mất được đặt thụy là Cảnh hầu. Con ông là Ngụ kế tự.